Giám đốc một công ty bất động sản (BĐS) tại quận 2, TP.HCM cho biết với việc siết tín dụng vào BĐS, nguồn vốn ngân hàng dành cho vay mua BĐS, vay tiêu dùng rồi chuyển vào BĐS như trước kia sẽ giảm đi.
Khi vốn vào BĐS giảm thì thị trường sẽ hạ nhiệt, chi phí vốn cao lên sẽ khiến những người mua đầu cơ giảm giao dịch.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HOREA), ngày 29-8-2018, HOREA có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước cho rằng chưa cần thiết phải áp dụng quy định "kể từ ngày 1-1-2019, các ngân hàng được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn".
Hiệp hội kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi theo hướng cho phép tiếp tục thực hiện quy định kể từ ngày 1-1-2019, các ngân hàng được sử dụng tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn; hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh BĐS là 200%.
Ngày 22-4-2019, HOREA tiếp tục có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước kiến nghị phương án từ năm 2019 đến hết ngày 31-12-2020, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn; từ ngày 1-1-2021 đến hết ngày 30-6-2021, tỉ lệ này là 37% và từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022 là 34%; từ ngày 1-7-2022 còn 30%.
Theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch HOREA, thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã lắng nghe tiếng nói của hiệp hội và các doanh nghiệp BĐS và đã có những điều chỉnh về tỉ lệ cũng như thời gian áp dụng các quy định siết tín dụng so với dự thảo. Do đó, các doanh nghiệp và người mua nhà có thêm thời gian chuẩn bị cũng như điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.
Hiệp hội tán thành chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về lộ trình hạn chế tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, BĐS, tín dụng tiêu dùng.
Việc thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng trong lĩnh vực BĐS, tuy trước mắt có gây áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp, nhưng là áp lực lành mạnh, có tính tích cực, buộc các chủ đầu tư dự án BĐS phải tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế dần một phần nguồn vốn tín dụng, nhằm phát triển thị trường BĐS bền vững.
Tất nhiên, việc siết tín dụng này sẽ có tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp cũng như thị trường nói chung bởi nhiều doanh nghiệp BĐS chưa chuyển đổi thành công ty cổ phần đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp BĐS, nhưng mới chỉ có khoảng 65 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, nên thị trường chứng khoán chưa thực sự là kênh dẫn vốn cho thị trường BĐS.
Số lượng các quỹ đầu tư BĐS, quỹ đầu tư tín thác BĐS (REIT) còn quá ít. Bên cạnh một vài quỹ đầu tư BĐS nước ngoài, mới chỉ có một REIT trong nước nên cũng chưa thực sự là kênh cung cấp vốn cho thị trường BĐS. Nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS dù ở mức khá nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của các doanh nghiệp BĐS.
Theo Vietnambiz