Liên tục sốt đất cục bộ
Số liệu thống kê của trang thông tin batdongsan.com.vn cho thấy, năm 2019 đất nền vẫn là loại hình được quan tâm nhất trên cả nước khi tỷ lệ quan tâm ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam lần lượt đạt 43%, 46% và 50%.
Được xem là kênh đầu tư vua, đất nền đang là phân khúc tạo nên làn sóng mạnh mẽ nhất trên thị trường. Từ đầu năm 2019 đến nay, sốt đất cục bộ đã diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.
Cụ thể, tháng 1/2019 sốt đất cục bộ tại Đà Nẵng. Tháng 2/2019, Vân Đồn khánh thành nhiều công trình lớn. Tháng 3, Bình Thuận dự kiến triển khai sân bay Phan Thiết, Phú Quốc xin chủ trương thành lập thành phố, 4 huyện tại Hà Nội có thông tin lên quận. Tháng 8, Nhơn Trạch chốt phương án xây cầu Cát Lái, Long Thành chốt thời hạn xây sân bay. Các tháng cuối năm, Bình Dương có thông tin 2 thị xã lên thành phố… Những thông tin về hạ tầng khiến giá đất tại những khu vực này tăng mạnh.
Theo ông Quốc Anh Phó Giám đốc Batdongsan.com.vn, lượt truy cập tại các địa phương có sốt đất trên Batdongsan.com.vn luôn tăng cao đột biến. Đơn cử, tại Phú Quốc, sau một thời gian dài chững lại do hoãn thông qua luật Đặc khu, khi có thông tin về chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc, lượt truy cập từ mức 10.000 lượt tìm kiếm tháng 1/2019, tăng vọt lên mức 30.000 lượt tháng 4/2019.
Tại Đông Anh, Hà Nội, khi có thông tin chuyển từ huyện lên quận khiến đất Đông Anh từ 90.000 lượt tìm kiếm trong tháng 1/2019, tăng mạnh lên mức khoảng 150.000 lượt tìm kiếm tháng 4/2019…
Cùng với sự quan tâm của nhà đầu tư, giá đất tại những khu vực này cũng tăng vọt. Đất khu vực đê tả sông Hồng (thuộc huyện Đông Anh) giá khoảng 17 triệu đồng/m2 nhưng hiện tại đã trên 30 triệu đồng/m2. Giá đất tại nhiều con ngõ rộng tầm 3m dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, đoạn thuộc xã Vĩnh Ngọc lên đến 50 triệu đồng/m2, một số ngõ nhỏ hơn giá đất cũng có thể lên đến 30 triệu đồng/m2.
Một số khu vực xa hơn như Bắc Hồng, giá đất hiện tại cũng có thể lên đến 15-17 triệu đồng/m2, cao gấp 5 lần so với thời điểm sốt đất Đông Anh giai đoạn 2008.
Bên cạnh đó, tại các tỉnh thành khác cũng thu hút được sự quan tâm lớn tới đất nền. Trong đó, mức độ quan tâm đất nền tại Quảng Ninh tăng 104%, Hải Phòng tăng 52%, Bình Thuận tăng 164%, Lâm Đồng tăng 82%, Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 48%, Đồng Nai tăng 22%...
Thị trường trầm lắng sau cơn sốt
Sau cơn sốt ở phân khúc đất nền, giá đất tại các địa phương này bắt đầu giảm nhiệt, thị trường giao dịch rơi vào trầm lắng, thậm chí là đóng băng.
Cụ thể, nếu trong năm 2018, thị trường đất nền TP.HCM có mức độ tăng giá khoảng 30- 40%/năm thì bước sang năm 2019, mức tăng trung bình chỉ đạt 15%, thậm chí có dự án chỉ tăng 10%.
Xu hướng chững lại càng rõ rệt hơn sau hàng loạt thông tin lừa đảo, rao bán trái phép như vụ việc Alibaba, Angel Lina….Trong quý III vừa qua, DKRA Việt Nam ghi nhận thị trường đất nền ven trung tâm TP.HCM ảm đạm, sức tiêu thụ của các dự án đất nền kém khả quan. Cụ thể chỉ có 3 dự án đất nền mới ra mắt với khoảng 473 nền, chỉ bằng 62% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sức tiêu thụ chỉ đạt 75%.
Đáng chú ý, từng được xem là “điểm nóng” của thị trường trong cơn sốt đất trước đây, thì hiện nay khu Đông lại là nơi ảm đạm nhất. Thị trường quận 2 và quận 9 có mức thanh khoản rất kém chỉ đạt khoảng 30% trong các rổ hàng sản phẩm được bán trong quý vừa qua, 70% còn lại vẫn đang tồn kho.
Trong khi đó, kết quả khảo sát của trang batdongsan.com.vn cũng cho thấy, nhu cầu về rao bán đất nền dự án trên địa bàn một số quận, huyện như quận 2, quận 9, huyện Bình Chánh… giảm khoảng 10%. Tại một số khu vực nóng về đất nền giá rẻ ở TP.HCM như Củ Chi, Hóc Môn, vùng ven khu vực quận 9, Thủ Đức, giao dịch đất nền giảm khá mạnh, sức mua phân khúc này giảm 40 - 50% so với cùng kỳ. Đặc biệt, giá đất nền chỉ tăng 0,5 - 1% so với quý II/2019.
Cùng với đó, tại một số địa bàn lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương... lượng tin đăng rao bán dự án đất nền cũng giảm. Theo khảo sát nhanh về giao dịch tại 3 tỉnh Long An, Đồng Nai và Bình Dương, trong tháng 10 và tháng 11, dù có tầm trên 10 dự án mở bán với nguồn hàng phong phú, giao dịch lại khá ảm đạm với sức mua giảm sâu từ 30-40% so với cùng kỳ, nhiều khu vực còn giảm 60-70% và gần như không có giao dịch.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết, các khu vực sốt đất trước đây đang chịu sự rà soát chặt chẽ từ chính quyền địa phương. Điều này vô tình ảnh hưởng đến cả nhà đầu tư chân chính và những nhà phát triển bất động sản.
Đơn cử như những dự án tiềm năng ở Vân Đồn và Phú Quốc đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thanh khoản chậm, vì chính quyền đang thanh tra, rà soát lại, khiến khách hàng gần như quay lưng, bất động.
Theo Nhị cầu đầu tư